_chitietbaiviet

Cần chuẩn bị những gì trước khi siêu âm.

CHUẨN BỊ

ĐỂ KHÁM SIÊU ÂM THUẬN LỢI

 

Siêu âm là kỹ thuật thăm khám tiện dụng, rẻ tiền và thực hiện được nhiều lần; nhờ thế nó trở nên rất thông dụng và thường được chỉ định cho cả khám tổng quát hay khám chuyên khoa.

Khi đến khám tại BV Nguyễn Tri Phương, chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp do không chuẩn bị trước khiến cho cuộc khám kéo dài hoặc phải lặp lại nhiều lần tạo cảm giác không thoải mái cho cả người thầy thuốc và bệnh nhân.

Vì vậy những hướng dẫn sau sẽ giúp ích khi quý cô bác, anh chị muốn thăm khám bằng siêu âm:

-       Nhịn ăn: Nhịn ăn 6-8 tiếng trước khi khám siêu âm là quan trọng vì khi ăn, túi mật sẽ tiết dịch tiêu hóa khiến nó co nhỏ, gây khó thăm khám và vì vậy có thể bỏ qua các tổn thương nhỏ.

 

(Hình 1: túi mật khi đói và Hình 2 túi mật khi đã ăn no) 

 

-       Nhịn tiểu: Trước khi siêu âm bụng đặc biệt là siêu âm sản phụ khoa (tử cung, buồng trứng), tuyến tiền liệt; bạn sẽ phải uống thật nhiều nước rồi nhịn đi tiểu khoảng 1 tiếng sau đó mới làm siêu âm. Bởi khi bàng quang đầy sẽ tạo môi trường truyền âm thuận lợi cho sóng siêu âm giúp kết quả đạt được tốt nhất.

 

 

 

(Hình 3: kém rõ do không có dịch và Hình 4: rõ khi có dịch hoặc nước tiểu)

 

-        Ăn nhẹ: Khi khám siêu âm, bữa ăn cuối trước khi thăm khám, bạn nên ăn các thức ăn dễ tiêu, tránh thức ăn nhiều dầu mỡ  và thức ăn dễ sinh hơi gây đầy bụng, lí do là vì quá nhiều hơi sẽ làm hạn chế rất lớn trong thăm khám bằng siêu âm.

-        Thuốc: các loại thuốc đang điều trị vẫn sử dụng bình thường, tuy nhiên bạn nên cho bác sĩ biết các loại thuốc mà bạn đang sử dụng khi vào thăm khám.

-        Thực phẩm chức năng: nên ngưng sử dụng các thực phẩm chức năng 8 tiếng trước thăm khám siêu âm, trong trường hợp đã sử dụng, hãy báo cho bác sĩ biết.

-        Giữ im lặng: Trong quá trình thăm khám, BS luôn muốn trao đổi với bệnh nhân hoặc khách hàng về các vấn đề phát hiện được. Do đặc thù của quá trình thăm khám, luôn có phòng chờ trước khi vào siêu âm. Bạn cần giữ im lặng để giúp BS có thể tư vấn, khám bệnh, giúp cho người khác được thăm khám tốt hơn, và sau đó cũng chính là giúp cho chính bạn.